Giới thiệu

NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI

  1. Tên gọi đầy đủ

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI

THE GIOI PUBLISHERS ONE MEMBER COMPANY LIMITED

Tên gọi tắt: Nhà xuất bản Thế Giới – Thế Giới Publishers

  1. Địa chỉ trụ sở

* Trụ sở: 46 Trần Hưng Đạo, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, VN và 59 Thợ Nhuộm, Phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, VN.

* Chi nhánh: Số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận I, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

  1. Lãnh đạo

* Lãnh đạo hiện nay:

Chủ tịch HĐTV, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập: Phạm Trần Long

Phó Giám đốc: Bùi Thế Khoa

* Các đời lãnh đạo trước đây:

Ông Nguyễn Đức Quỳ, ông Nguyễn Kim Cương, ông Phạm Ngọc Thuần, ông Nguyễn Khắc Viện, ông Nguyễn Hữu Ngọc, ông Hoàng Nguyên, ông Nguyễn Đinh Hiền, ông Mai Lý Quảng, ông Phan Hồng Giang, ông Trần Đoàn Lâm, ông Vũ Ngọc Hoan.

  1. Cơ quan chủ quản

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

  1. Chức năng, nhiệm vụ

Theo quyết định số: 2400/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NXB Thế Giới được chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên NXB Thế Giới, với các chức năng, nhiệm vụ sau:

– Xuất bản và nhận ủy thác xuất bản dưới hình thức in ấn hoặc điện tử các loại sách, tài liệu, tạp chí bằng tiếng nước ngoài, song ngữ hoặc tiếng Việt về các lĩnh vực đất nước-con người Việt Nam, du lịch-danh thắng, văn hóa truyền thống, kinh tế-xã hội, chính trị-pháp luật, thành tựu kỹ thuật và các loại từ điển; xuất bản báo và tạp chí.

– Xuất bản các xuất bản phẩm phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của NXB là độc giả trong nước, nước ngoài (người Việt ở trong nước và người Việt ở ngoài nước; người nước ngoài ở Việt Nam và trên thế giới).

– Trực tiếp in, phát hành trong và ngoài nước những xuất bản phẩm của NXB và xuất bản phẩm của các đối tác liên doanh, liên kết.

– Tham gia sản xuất cung ứng các sản phẩm công ích về văn hóa phẩm phục vụ xã hội theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước.

– Liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường khả năng sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

– Xuất nhập khẩu sách và văn hóa phẩm.

  1. Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển

Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 1970:

Ngày 16-3-1957, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám ký Quyết định số 14VH/QĐ thành lập NXB Ngoại văn trực thuộc Cục xuất bản, Bộ Văn hóa. Quyết định nêu rõ cơ cấu hình thành, tổ chức và nhiệm vụ của NXB Ngoại văn:

– Một là, tách hai phòng Biên tập ngoại văn và Phiên dịch ra khỏi văn phòng Cục xuất bản và thành lập một NXB chuyên trách việc ra các sách, tài liệu, báo tạp chí bằng tiếng nước ngoài lấy tên là NXB Ngoại văn, là đơn vị trực thuộc Cục Xuất bản kể từ ngày 16/3/1957.

– Hai là, Nhà xuất bản có nhiệm vụ: xuất bản và thống nhất việc xuất bản các loại sách báo tạp chí bằng tiếng nước ngoài nhằm giới thiệu Việt Nam về mọi mặt: lịch sử, địa dư, văn hóa, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ…

– Ba là, NXB Ngoại văn gồm có: Phòng biên tập, phòng biên dịch, phòng quản lý xuất bản và hành chính, tòa soạn báo…

Khi thành lập, NXB Ngoại văn có Giám đốc đầu tiên là ông Nguyễn Đức Quỳ, Cục trưởng Cục xuất bản (sau đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa), xuất bản các đầu sách bằng 6 ngoại ngữ: tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Quốc tế ngữ, Tây Ban Nha và tờ nguyệt san Việt Nam tiến bước (bắt đầu xuất bản năm 1959) ra bằng tiếng Pháp (Le Vietnam en Marche) và tiếng Anh (Vietnam Advance). Năm 1961, Chính phủ thành lập Ủy ban liên lạc văn hóa với người nước ngoài là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác trao đổi văn hóa với nước ngoài theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát triển công tác trao đổi văn hóa, tuyên truyền quốc tế, giới thiệu nền văn hóa Việt nam ra nước ngoài, nhằm góp phần mở rộng và đề cao địa vị của nước Việt nam dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế… và NXB Ngoại văn được chuyển từ Cục xuất bản, Bộ Văn hóa về trực thuộc Ủy ban này.

Năm 1964, sau khi Tạp chí Việt Nam tiến bước ngừng xuất bản, thì bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sau 27 năm học tập và hoạt động tại Pháp trở về nước, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên của Ủy ban liên lạc văn hóa với người nước ngoài, phụ trách công tác tuyên truyền đối ngoại. Với sự tham mưu của ông, tờ báo đối ngoại Tin Việt Nam và Tạp chí đối ngoại chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam đã được thành lập.

Tin Việt Nam là tờ tuần báo với 32 trang, ban đầu ra bằng tiếng Pháp (Le Courrier du Vietnam) và tiếng Anh (Vietnam Courier), do ông Nguyễn Kim Cương, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng được điều về làm Phó chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, kiêm Tổng biên tập; ông Hoàng Nguyên, nguyên Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, làm Phó tổng biên tập. Tới năm 1965, Tin Việt Nam ra thêm bằng tiếng Tây Ban Nha và từ năm 1970 thì có thêm tiếng Nga.

Tạp chí chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam, ba tháng một kỳ, mỗi số khoảng trên 200 trang ra bằng tiếng Pháp (Etudes Vietnamiennes) và tiếng Anh (Vietnameses Studies), do ông Nguyễn Khắc Viện, là người sáng lập và làm Tổng biên tập.

Bộ máy của NXB Ngoại văn lúc này chỉ có hai ban và một phòng: Ban biên tập, Ban biên dịch và Phòng hành chính-trị sự (bao gồm cả tài vụ).

Giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1978

Do có chủ trương tinh gọn biên chế, Ủy ban liên lạc văn hóa với người nước ngoài giải thể, phân tách một bộ phận về Bộ Ngoại giao và một bộ phận về Ban tuyên huấn trung ương (sau này là Ban Tuyên giáo trung ương). Bộ phận về Ban tuyên huấn trung ương là ba đơn vị làm tuyên truyền đối ngoại gồm NXB Ngoại văn, Báo đối ngoại Tin Việt Nam và tạp chí Nghiên cứu Việt Nam. Sau đó, ba đơn vị này nhập lại thành Khối Sách báo đối ngoại với Ban lãnh đạo gồm ông Phạm Ngọc Thuần, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với người nước ngoài, ông Nguyễn Kim Cương và ông Nguyễn Khắc Viện; Ban biên tập và Tạp chí do ông Hữu Ngọc phụ trách, Tòa soạn báo do ông Hoàng Nguyên phụ trách.

Giữa năm 1971, Ban Tuyên huấn trung ương ra Quyết định thành lập lại NXB Ngoại văn với cơ cấu chính là mảng sách ngoại văn, báo đối ngoại Tin Việt Nam và tạp chí chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam.

Ban giám đốc phụ trách NXB Ngoại văn lúc đó là:

– Ông Nguyễn Khắc Viện, Giám đốc, kiêm Tổng biên tập

– Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó giám đốc, phụ trách Ban biên tập tạp chí và sách

– Ông Hoàng Nguyên, Phó giám đốc, phụ trách tòa soạn báo

Tổ chức của NXB lúc đó bao gồm:

– Ban Biên tập sách và tạp chí

– Ban Tòa soạn báo Tin Việt Nam

– Ban Phiên dịch

– Phòng Hành chính-trị sự

Mỗi phòng, ban lại có các tổ chuyên môn.

Giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1991

Năm 1978, theo yêu cầu của công tác quản lý NXB Ngoại văn chia tách thành hai cơ quan tuyên truyền đối ngoại độc lập với nhau là NXB Ngoại văn với mảng sách ngoại văn cùng Tạp chí chuyên đề Nghiên cứu Việt Nam và Tuần báo đối ngoại Tin Việt Nam, cả hai đều chuyển từ Ban Tuyên huấn trung ương về Bộ Văn hóa.

Lúc này, NXB Ngoại văn do ông Nguyễn Hữu Ngọc làm Giám đốc, ông Nguyễn Khắc Viện làm Tổng biên tập và ông Nguyễn Đình Hiền làm Phó giám đốc. Còn Tuần báo Tin Việt Nam do ông Hoàng Nguyên làm Tổng biên tập, ông Vũ Cận làm Phó tổng biên tập.

Năm 1979, Tuần báo Tin Việt Nam được chuyển sang Bộ Ngoại giao quản lý, tới năm 1993 thì được sáp nhập vào Thông tấn xã Việt Nam. Sau đó dần dần Tuần báo này nhập vào với tờ nhật báo Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam.

Năm 1988, Bộ Văn hóa – Thông tin bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Hiền làm Giám đốc NXB, ông Hữu Ngọc làm Tổng biên tập và ông Mai Lý Quảng làm Phó giám đốc. Năm 1989, NXB Ngoại văn đã được phép thành lập Xưởng in.

Năm 1990, khi ông Hữu Ngọc nghỉ hưu, Bộ Văn hóa – Thông tin bổ nhiệm ông Mai Lý Quảng làm Giám đốc NXB và ông Nguyễn Đình Hiền làm Tổng biên tập, ông Nguyễn Khắc Viện là cố vấn danh dự, ông Hữu Ngọc là cố vấn chính thức.

Giai đoạn Từ năm 1991 đến năm 2012

Trước yêu cầu mới về công tác tuyên truyền tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và khai thác triệt để thế mạnh biên dịch ngoại ngữ của mình, NXB Ngoại văn đã xin phép được đổi tên thành NXB Thế Giới. Ngày 15/11/1991, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và Thể thao đã ra Quyết định số 2006/QĐ-TC quyết định đổi tên NXB Ngoại văn thành NXB Thế Giới cùng với các tôn chỉ mục đích hoạt động và nhiệm vụ của NXB Thế Giới, từ nay NXB Thế Giới không chỉ làm sách ngoại văn mà còn có thể tham gia làm sách tiếng Việt phục vụ bạn đọc trong nước.

Năm 1992, Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao quyết định sáp nhập Công ty xuất bản đối ngoại thuộc Bộ Thông tin vào NXB Thế Giới. Cùng năm này Chi nhánh của Nhà xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập lại.

Năm 1993, NXB Thế Giới được chuyển đổi cơ chế từ một đơn vị sự nghiệp có thu thành một Doanh nghiệp nhà nước và được xếp hạng là doanh nghiệp loại I do ông Mai Lý Quảng làm giám đốc, ông Phan Hồng Giang làm Phó Giám đốc. Trong bối cảnh đất nước mở cửa, NXB Thế Giới xin phép xuất bản thêm nguyệt san tuyên truyền đối ngoại, ban đầu có tên là Việt Nam today, nhưng do trùng tên với một tạp chí tại Singapore nên NXB Thế Giới và Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định đổi tên Tạp chí là New Vietnam và bổ nhiệm ông Phan Hồng Giang làm Tổng Biên tập.

Năm 1996, ông Phan Hồng Giang chuyển sang làm Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật quốc gia, ông Mai Lý Quảng tạm thời làm Tổng biên tập của Tạp chí New Việt Nam và Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam.

Năm 1997, NXB xin phép được thay đổi tôn chỉ mục đích của nguyệt san New Vietnam vốn chỉ giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống và đời sống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thành Cửa sổ Văn hóa Việt Nam (Vietnam Cultural Window) để mở rộng hơn các đề tài giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước.

Trong thời gian đó, NXB Thế Giới luôn được coi là một đơn vị có nhiều đổi mới trong tuyên truyền đối ngoại, hầu như năm nào NXB cũng có các giải thưởng lớn dành cho những ấn phẩm có chất lượng về nội dung và hình thức của mình. Trong hợp tác xuất bản, NXB Thế Giới cũng là một địa chỉ hợp tác uy tín của các cơ quan tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán tại Việt Nam trong quảng bá giới thiệu các giá trị tốt đẹp của nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới với nhân dân Việt Nam.

Năm 1999, sau khi, NXB Thế Giới được bổ nhiệm thêm ông Trần Đoàn Lâm, Phó Giám đốc phụ trách khối biên dịch kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam và Tạp chí Cửa sổ văn hóa Việt Nam và ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất kinh doanh. Trong thời gian này NXB Thế Giới là đơn vị xuất bản tiêu biểu trong phát triển hoạt động chuyên môn và cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự lên tới hơn 100 cán bộ nhân viên, sách báo được phát hành đi hầu khắp các quốc gia, tổ chức có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Năm 2003, ông Mai Lý Quảng nghỉ hưu, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch bổ nhiệm ông Trần Đoàn Lâm làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập, ông Vũ Ngọc Hoan là Phó Giám đốc và tiếp các năm sau đó là bổ nhiệm ông Phạm Trần Long là Phó Giám đốc Phụ trách mảng biên tập, biên dịch và ông Bùi Thế Khoa Phó Giám đốc phụ trách mảng sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn từ năm 2012 đến nay

Tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số: 2400/QĐ-BVHTTDL, chuyển đổi NXB Thế Giới từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước có tên là Công ty TNHH một thành viên NXB Thế Giới, với cơ cấu quản lý theo mô hình: Hội đồng thành viên, Giám đốc và các Phó Giám đốc, Kiểm soát viên và bộ máy giúp việc.

Sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, NXB Thế Giới cũng như nhiều NXB khác gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn xuất bản của mình, bên cạnh đó do xu hướng phát triển của các kênh nội dung số, mạng xã hội sách báo điện tử trên nền internet đã tác động mạnh mẽ tới văn hóa đọc và hình thái dung nạp kiến thức khiến lượng doanh thu từ hoạt động xuất bản đã giảm và suy giảm nghiêm trọng theo từng năm.

Tháng 9-2021, Khi ông Trần Đoàn Lâm nghỉ hưu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm ông Phạm Trần Long làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên NXB Thế Giới, ông Bùi Thế Khoa là Phó Giám đốc phụ trách sản xuất kinh doanh, Tạp chí Cửa sổ Văn hóa Việt Nam chính thức ngừng hoạt động.

Hiện tại, bộ máy của NXB Thế Giới bao gồm:

– Ban Giám đốc

– Ban Biên tập

– Ban Biên dịch

– Phòng Tài vụ

– Phòng Tổ chức – Hành chính

– Trung tâm chế bản và in

– Trung tâm Dịch thuật và Tư vấn du lịch văn hóa

– Chi nhánh Nhà xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh

  1. Những kết quả nổi bật (Huân chương, Huy chương, Bằng khen, các Bộ sách/Tủ sách tiêu biểu được giải thưởng)

Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV NXB Thế Giới đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đã được ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1982, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1997, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2002.

Rất nhiều giải thưởng về sách:

– Năm 1974: Loại 2 và loại 3 – In đẹp

– Năm 1975: Loại 2 và loại 3 – Trình bày và in đẹp

– Năm 1976: Loại 2 và loại 3 – Sách đẹp

– Năm 1980: 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích – Sách đẹp

– Năm 2007: 1 giải Vàng, 2 giải Đồng – Sách đẹp

– Năm 2008: 1 giải Vàng Sách đẹp

– Năm 2010: 1 giải Vàng – Sách đẹp

– Năm 2013: 1 giải Bạc – Sách đẹp

– Năm 2014: 1 giải Bạc, 3 giải Đồng – Sách đẹp

– Năm 2015: 1 giải Đồng – Sách đẹp

– Năm 2016: 1 giải Khuyến khích – Sách đẹp

– Năm 2018: 1 giải B Sách đẹp, 1 giải A và 1 giải C Sách hay – Giải thưởng sách quốc gia lần thứ nhất

– Năm 2019: 1 giải B, 2 giải C – Giải thưởng sách quốc gia lần thứ hai

– Năm 2020: 1 giải A, 1 giải B – Giải thưởng sách quốc gia lần thứ ba

– Năm 2021: 1 giải A, 1 giải B – Giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư

– Năm 2022:

– Năm 2023:

  1. Thông tin liên hệ

Trụ sở chính: Số 46 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội và số 59 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tel: 0912572299

Chi nhánh: Số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Tel: 0912572299

Email: luumyhang@gmail.com

Website: www.thegioipublishers.vn

    Khách hàng liên hệ

    Để lại số điện thoại và lời nhắn chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay

      Tư vấn sàn gỗ

      0
        0
        Giỏ hàng
        Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng